Bài viết: Xây dựng phong cách công tác của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của PGS,TS Trần Minh Trưởng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài viết: Xây dựng phong cách công tác của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của PGS,TS Trần Minh Trưởng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của cán bộ với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(1); cán bộ là gốc của mọi công việc; cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ là người lãnh đạo quần chúng, đồng thời là “cầu nối” Đảng, Nhà nước với nhân dân. Để đảm đương, hoàn thành được vai trò, vị trí vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, vừa là người lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải học tập, rèn luyện tu dưỡng để trở thành người có đức, có tài, trong đó “đạo đức là gốc”. Người nói: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân, vì cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, sự nghiệp cách mạng muốn hoàn thành thắng lợi, thì phải được nhân dân ủng hộ, tham gia.

Hiện nay, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, yếu kém. Do đó, Đảng ta phát động đợt học tập, sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, với nội dung “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”. Để cuộc vận động đi vào thực chất, đạt hiệu quả, các cấp ủy và cán bộ, đảng viên cần tập trung quán triệt, học tập một số nội dung sau:

Thứ nhất, phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Lãnh đạo là công việc lớn lao của Đảng, quyết định đến thành bại của cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, phải nhận thức được hoạt động lãnh đạo như việc cầm lái, dẫn đường. Đó là sự hội tụ của trình độ lý luận, trí tuệ, của sự thấu hiểu thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước và cuộc sống, lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân. Lãnh đạo đúng đòi hỏi xử lý các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa chiến lược và sách lược phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tức là học tập, xây dựng cho mình phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trên mọi vấn đề, phải luôn suy nghĩ, tìm tòi một cách độc lập, không lệ thuộc vào người khác hay cái có sẵn; không vận dụng một cách giáo điều mà tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý cách mạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước, đặc điểm thời đại làm định hướng cho hành động cách mạng.

Thứ hai, phong cách lãnh đạo dân chủ, nhưng quyết đoán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu cần có tác phong làm việc, lãnh đạo dân chủ, quần chúng, tôn trọng quyền bình đẳng của mọi người, phát huy trí tuệ tập thể. Người coi “Dân chủ là chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi công việc, nhất là những công việc có liên quan trực tiếp với nhân dân. Do vậy, trong công tác lãnh đạo, quản lý cần thực hiện nhất quán các nguyên tắc: Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân, tin vào nhân dân. Đưa mọi vấn đề cho nhân dân thảo luận và dựa vào ý kiến của nhân dân để tìm cách giải quyết, sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. Đối với cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo, đòi hỏi phải có phong cách lãnh đạo dân chủ thực sự chứ không phải giả tạo, hình thức. Bởi vì, mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể; mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. Phải có bản lĩnh cách mạng, trong những công việc và những thời điểm nhất định, người lãnh đạo phải có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm.  Không dựa dẫm, ỷ vào tập thể hoặc trốn tránh trách nhiệm làm suy yếu bộ máy lãnh đạo.

Thứ ba, phong cách lãnh đạo sâu sát.

Muốn công việc đạt được hiệu quả, người cán bộ lãnh đạo làm việc phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể (khó khăn, thuận lợi) để chỉ đạo kịp thời. Người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải biết sử dụng bộ máy, sử dụng những người cộng sự, những cơ quan giúp việc để nắm được những thông tin cần thiết, chính xác; sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá, những phản ánh lựa chiều thiếu trung thực. Do đó, phải xem xét, đối chiếu, so sánh những ý kiến khác nhau để lựa chọn ý kiến đúng, không nhầm lẫn đúng với sai.

Thứ tư, khéo dùng người, trọng dụng người tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải biết tôn trọng và trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài; phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: Phân công đúng người, đúng việc, vị trí việc làm phù hợp với năng lực và sở trường của họ; và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ.

Thứ năm, phong cách lãnh đạo khoa học, năng động, sáng tạo.

Muốn xây dựng được phong cách làm việc khoa học, cần khắc phục triệt để lối tư duy chủ quan, duy ý chí, áp đặt khi đề ra đường lối, chính sách và cả những chủ trương, biện pháp cụ thể. Phong cách khoa học còn thể hiện rõ ở việc quý trọng thời gian, sử dụng thời gian một cách hợp lý và có hiệu quả nhất. Phải biết sắp xếp công việc hằng ngày đến từng buổi, từng giờ, theo kế hoạch, chương trình công tác đặt ra. Khoa học là khách quan, do đó phương pháp lãnh đạo khoa học là không được nôn nóng, chủ quan, duy ý chí; phải linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở thường xuyên nghiên cứu, cập nhật tình hình cụ thể để có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời.

Thứ sáu, phong cách nêu gương.

Nêu gương phải bằng hành động, việc làm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Vì vậy, để vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng, thì người lãnh đạo cần nêu gương trước hết, phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm, trở thành “tấm gương sống”, được nhân dân quý mến, tin tưởng học tập và noi theo. Đối với mình, phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo… Phải siêng năng, tiết kiệm; luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; Đối với người, thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở… Không ghen ghét, đố kỵ; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, luôn khoan dung, độ lượng; Đối với việc, phải suy nghĩ cho kỹ… Phải cẩn thận…; phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải ghi nhớ lời dạy của Người: Đảng ta là đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.