Sinh hoạt chuyên đề “Hướng dẫn học sinh đầu cấp học tập”

Sinh hoạt chuyên đề

“Hướng dẫn học sinh đầu cấp học tập”

 

Do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nên trên toàn tỉnh Đồng Tháp cho học sinh các cấp học online, dự kiến kéo dài trong học kì I năm học 2021-2022, trường THCS Phú Hiệp cũng thực hiện dạy trực tuyến theo chỉ đạo của tỉnh. Trong các khối học sinh THCS thì khối 6 đầu cấp gặp nhiều khó khăn hơn khi học online. Nắm bắt điều này nên tổ Toán-Lí-Hóa-Sinh-Công nghệ-Tin đã thực hiện sinh hoạt chuyên môn định kì  với nội dung chuyên đề “Hướng dẫn học sinh đầu cấp học tập” trong học kì I.

Cũng với hình thức online như dạy học, sinh hoạt tổ chuyên môn trực tuyến khá mới mẻ nhưng hỗ trợ tổ thực hiện chuyên đề khá thuận lợi.

SHCĐ-TO TU NHIÊN

Hình ảnh sinh hoạt tổ chuyên môn trực tuyến

Sau đây là một số kinh nghiệm đúc kết của quá trình thực hiện chuyên đề “Hướng dẫn học sinh đầu cấp học tập” :

Thứ nhất, muốn học sinh có ý thức tự học thì trước hết học sinh phải yêu thích môn học đó.

Vì vậy giáo viên cần tạo cho học sinh niềm say mê môn học. Giáo viên có thể dùng tiết dạy để giới thiệu về môn học, về những giá trị của môn học trong thực tiễn bằng những ví dụ minh họa cụ thể nhằm kích thích động cơ học tập ở các em. Ví dụ ở môn Vật lý, giáo viên có thể làm được điều này thông qua cách đặt vấn đề bằng những câu chuyện hay đơn giản chỉ là những câu hỏi thú vị như: “Tại sao nước làm tắt lửa?”. Câu hỏi vừa đặt ra tưởng chừng rất đơn giản nhưng để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi học sinh cần phải có kiến thức vật lý về nhiệt học.

Thứ hai, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách xây dựng kế hoạch học tập từ ban đầu.

Ngay từ tiết học đầu tiên của môn học, giáo viên không cần phải dạy ngay mà cần giới thiệu sơ lược về chương trình, nội dung và phương pháp học một cách khái quát nhất để học sinh hiểu và từ đó, tự xây dựng cho mình kế hoạch học tập phù hợp. Giáo viên phải làm cho học sinh hiểu rõ: mọi kế hoạch phải được xây dựng dựa trên mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể và học sinh hoàn toàn có thể phấn đấu thực hiện được từng mục tiêu nếu có kế hoạch thời gian được xây dựng chi tiết. Chẳng hạn, trong quá trình giảng dạy mỗi chương, giáo viên sẽ cung cấp nội dung và thời gian học và kiểm tra để học sinh nắm rõ. Đồng thời, giáo viên có thể cho học sinh đánh dấu vào trong sách bài nào học ngày nào, đến tiết nào sẽ kiểm tra. Muốn học sinh tự xây dựng kế hoạch học tập thì giáo viên phải là người cung cấp đầy đủ kế hoạch dạy và học của bộ môn.

Thứ ba, giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách tìm và đọc sách hoặc tài liệu liên quan đến môn học.

Giáo viên cần nhấn mạnh cho  thấy rằng, kiến thức môn học không chỉ gói gọn trong nội dung sách giáo khoa, trong bài giảng của giáo viên mà đến từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, giáo viên cần giới thiệu cho học sinh những cuốn sách hay, những tài liệu bổ ích liên quan đến môn học và khuyến khích các em tự tìm kiếm, tự phân tích và tổng hợp kiến thức. Giáo viên cũng có thể giới thiệu địa chỉ một số trang web chuyên ngành, hoặc các trang diễn đàn trao đổi kinh nghiệm học tập để học sinh tham khảo thêm. Ví dụ môn Toán, giáo viên có thể giới thiệu các em một số sách như: Nâng cao và phát triển toán của Vũ Hữu Bình; Bài tập nâng cao và một số chuyên đề của Bùi Văn Tuyên, Bồi dưỡng năng lực tự kiểm tra đánh giá của Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh hoặc tham gia Diễn đàn toán học trên mạng, …

Thứ tư, GV nên dạy cho HS cách ghi chép và nghe giảng

Vì đây là những kỹ năng học tập vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh. Trình độ nghe và ghi chép của mỗi người học ở mỗi môn học là khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng môn học và phương pháp giảng dạy của từng giáo viên. HS thường mang lối học thụ động, quen tách việc nghe và ghi chép ra khỏi nhau, thậm chí nhiều học sinh chỉ chờ giáo viên đọc mới có thể ghi chép được nội dung bài học, nếu ngược lại thì bỏ trống vở. Điều này khiến học sinh có tâm lí ức chế, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận kiến thức. Để khắc phục vấn đề này này, giáo viên phải rèn luyện cho học sinh cách ghi chép nhanh bằng các hình thức gạch chân, tóm lược bằng sơ đồ hình vẽ những ý chính. Đối với các vấn đề quan trọng, giáo viên cần nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần để học sinh tiếp thu dễ dàng hơn.

Thứ năm, giáo viên hướng dẫn cách học bài.

Giáo viên nên giới thiệu và hướng dẫn cho học sinh tự học theo các nấc thang nhận thức: Mức 1. nhớ/biết, Mức 2. hiểu, Mức 3. Vận dụng, Mức 4. Phân tích, Mức 5. Đánh giá, Mức 6. Sáng tạo. Theo cách phân chia trong thang nhận thức, học sinh có thể học cách phân tích, tổng hợp, vận dụng tri thức vào từng tình huống thực tiễn, học cách nhận xét, đánh giá, so sánh đối chiếu các kiến thức khác… Cách tự học theo mô hình các nấc thang nhận thức sẽ giúp cho HS có thể học được cách rèn luyện năng lực tư duy logic, tư duy trừu tượng và phát triển tư duy sáng tạo trong việc tìm ra những hướng tiếp cận mới đối với các vấn đề khoa học.

Thứ sáu, giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh ở tiết học tiếp theo.

Để phát huy tối đa năng lực tự học và thúc đẩy học sinh tận dụng hết thời gian tự học, giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh. Có như thế, các em mới định hướng được cụ thể các nhiệm vụ mình cần làm tiếp theo. Sau khi đã tiếp nhận được kiến thức cũ, các em có thể tìm hiểu kiến thức mới. Khi có sự chuẩn bị trước ở nhà, việc học trên lớp sẽ trở nên có hiệu quả hơn rất nhiều.

Tháng 12/2021